Chiều 13.10,Đềxuấtđểngườilaođộngtựđóchees Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM làm việc với BHXH TP.HCM về việc góp ý sửa đổi dự thảo luật BHXH năm 2014.
Đề xuất người lao động tự chuyển 8% đóng BHXH
Giám đốc BHXH TP.HCM Lò Quân Hiệp cho biết hiện nay có tình trạng doanh nghiệp chậm đóng BHXH, trong đó, một số doanh nghiệp gặp khó khăn, nhưng một số có hoạt động sản xuất kinh doanh, có doanh thu bình thường nhưng vẫn chậm, trốn đóng BHXH.
Trong khi đó, hằng tháng, người lao động đều trích phần trăm tiền lương của mình ra để đóng BHXH (thông qua doanh nghiệp - PV) nhưng nhiều doanh nghiệp lại chưa đóng số tiền đó cho cơ quan bảo hiểm. Còn phần còn lại do doanh nghiệp đóng đã trích vào chi phí và đã có dòng tiền thanh toán tiền hàng nhưng doanh nghiệp vẫn chậm đóng.
Vì thế, với bối cảnh công nghệ ngày càng được sử dụng rộng rãi, ông Hiệp cho rằng nên tiến tới hình thức đóng để người lao động tự chuyển 8% tiền đóng BHXH của mình về cho cơ quan bảo hiểm, giống như hình thức thanh toán tiền điện, nước, điện thoại trực tuyến hiện nay.
"Với phương thức này thì doanh nghiệp có muốn nợ cũng không nợ được", ông Hiệp nói và cho biết thêm, đối với phần tiền BHXH mà doanh nghiệp đóng thì cần có quy định cụ thể khi có văn bản hướng dẫn luật.
Ông Hiệp dẫn chứng: "Ví dụ một người lao động có lương hằng tháng 10 triệu đồng thì thay vì để doanh nghiệp giữ lại 800.000 đồng và không nộp cho cơ quan bảo hiểm thì nay khi người lao động nhận tiền lương sẽ tự chuyển cho cơ quan bảo hiểm". Trường hợp nếu người lao động không đóng tiền BHXH thì đến kỳ sau là sẽ mất quyền lợi liên quan.
Đề xuất mới, cần cân nhắc thêm
Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, cho biết với phương thức này, nguy cơ lớn nhất là người lao động "xù" tiền, tuy nhiên, bà đánh giá đó là kiến nghị hay, cần được xem xét.
"Nếu người lao động giữ được tiền đó thì tôi vẫn mừng hơn là doanh nghiệp lấy. Bởi có nhiều trường hợp người lao động làm việc bao nhiêu năm, khi nghỉ việc mới biết là công ty không hề đóng BHXH cho mình, mất hết quyền lợi", bà Lan nói.
Cũng nhận định phương thức tự chuyển 8% có thể dẫn đến nguy cơ người lao động không đóng hay sẽ vất vả nếu có "tranh chấp" giữa cơ quan BHXH với từng cá nhân, ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật của Liên đoàn Lao động TP.HCM đề nghị nghiên cứu, cân nhắc thêm.
"Ví dụ có 10.000 lao động thì 1 doanh nghiệp đại diện đóng, bây giờ nếu 10.000 tự thực hiện nghĩa vụ mà lại không đóng thì không biết xử lý thế nào", ông Triều nói.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trần Phượng Trân, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam TP.HCM, cũng đánh giá cao phương án này. "Nên để người lao động thực hiện nghĩa vụ cho cơ quan bảo hiểm. Bởi nếu doanh nghiệp có nợ BHXH thì đó cũng chỉ là phần của doanh nghiệp, còn quyền lợi của người lao động vẫn được đảm bảo ở một mức nhất định, chứ không như bây giờ là mất hết", bà Trân nói.
Vị đại biểu Quốc hội này cũng cho biết thêm: "Hiện nay đang hướng tới sử dụng công nghệ thông tin tích hợp, tại sao không đưa vào luôn trong các giai đoạn đó? Cần lưu ý là nếu thực hiện phương án này thì phải có giai đoạn thông tin, giải thích cho người lao động hiểu rõ".
Theo quy định hiện nay, mức đóng BHXH bắt buộc là 32%. Trong đó, người sử dụng lao động đóng 21,5% (cụ thể là 14% vào chế độ hưu trí, 3% chế độ ốm đau - thai sản, 0,5% bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, 1% vào bảo hiểm thất nghiệp và 3% bảo hiểm y tế).
Còn người lao động đóng 10,5% (cụ thể gồm 8% vào hưu trí, 1% bảo hiểm thất nghiệp và 1,5% bảo hiểm y tế).