Chiều 22.10,ÔngNguyễnĐắcVinhNêncânnhắcviệcphổcậpthitrắcnghiệdự báo thời tiết ngày mai Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 6 cho ý kiến báo cáo công tác năm 2023, dự kiến kế hoạch năm 2024 của ủy ban. Trong phiên họp, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã chia sẻ một số quan điểm của mình liên quan tới một số vấn đề khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt là về kỳ thi tốt nghiệp THPT và việc sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển ĐH. Trong phát biểu của mình, ông Vinh bày tỏ sự lo ngại về việc "phổ cập" thi trắc nghiệm.
Không nên thay đổi đột ngột
Ông Vinh cho rằng, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang thực hiện đúng theo lộ trình. Giờ chỉ còn vấn đề băn khoăn nhất là việc tổ chức kỳ thi vào năm 2025, khi chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai tròn một vòng. Thiết kế kỳ thi thế nào là một việc khó. "Khó nhưng là việc phải làm. Biết là khó nên phải nghiên cứu thật kỹ, bàn thật kỹ để làm cho tốt. Có những việc cần phải đặt ra để suy nghĩ, nhưng quá trình chuyển đổi cũng nên theo từng bước, có lộ trình. Những gì liên quan tới hệ thống rộng lớn nhiều gia đình, học sinh thì đừng làm cái gì đột ngột quá. Nhưng đường hướng đổi mới theo hướng chất lượng hơn thì phải tính", ông Vinh bày tỏ.
Theo ông Vinh, việc đánh giá học bạ để xét tuyển sinh ĐH ở thời điểm nào đó thì hợp lý. Học bạ là để ghi nhận kết quả học tập của học sinh ở một trường học cụ thể. Nhưng nếu đem học bạ ra so trên mặt bằng chung của cả nước, không cẩn thận thì một thời gian sẽ tác động trở lại việc đánh giá ở các trường phổ thông. Khi kết quả học bạ được sử dụng làm căn cứ để so sánh khi xét tuyển ĐH sẽ dẫn dẫn đến việc các trường phổ thông sẽ chú ý tới điểm số trong học bạ, không cẩn thận sẽ làm cho giáo dục đi theo hướng khác.
Vì thế, theo ông Vinh, kết thúc từng giai đoạn học vẫn nên có kỳ thi (không nhất thiết ở từng cấp, chẳng hạn sau cấp tiểu học thì có thể không nên làm). Chẳng hạn như bây giờ, sau THCS thì các địa phương vẫn tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Sau lớp 12 cũng có thể tổ chức thi, nhưng cũng đừng làm theo góc độ nặng nề. "Ý chung là đặt ra việc kiểm tra kiến thức đối với học sinh ở các trường khác nhau để có điều kiện nhìn nhận, đánh giá bằng chất lượng, để các nơi nhìn vào đó có thể đưa ra nhận định tương đối chính xác về mặt bằng chất lượng", ông Vinh nêu ý kiến.
Tổ chức kỳ thi hai mục đích là tự đặt bài toán rất khó
Theo ông Vinh, một vấn đề khác liên quan tới kỳ thi khi học sinh học hết lớp 12 là cần phải bàn bạc để thống nhất quan niệm về mục tiêu của kỳ thi. Nếu mục tiêu là thi tốt nghiệp THPT quan niệm, là để kiểm tra kiến thức phổ thông của người học, thì chúng ta sẽ thiết kế đề thi có độ rộng (độ bao phủ) kiến thức phù hợp.
Ông Vinh phân tích: "Bây giờ chúng tôi thấy chúng ta tự đặt ra một bài toán rất khó, là kết hợp vào đó mục tiêu sử dụng kết quả để làm căn cứ xét tuyển sinh đại học. Vậy thì đề thi có thêm một nhiệm vụ là phải có sự phân hóa đủ để phân loại, vừa kiểm tra kiến thức với độ phủ rộng, vừa phân loại, nghe thì tưởng đơn giản nhưng thực ra đây là một yêu cầu khá phức tạp. Muốn tăng phân loại thì phải tăng độ khó lên, đề thi có những câu hỏi chuyên sâu.
Vì kỳ thi hướng cả vào việc phục vụ tuyển sinh nên phải có những câu hỏi phục vụ chuyên môn hẹp, thì lại ảnh hưởng tới việc đánh giá kiến thức diện rộng để phục vụ việc xét tốt nghiệp THPT. Còn nếu đề thi chỉ đơn thuần phục vụ kỳ thi tốt nghiệp thì rõ ràng là khó khăn trong việc phân loại để xét tuyển ĐH. Chúng tôi biết là rất khó khăn, Bộ GD-ĐT cũng rất chú trọng để làm tốt kỳ thi này".
Một vấn đề khác cũng được ông Vinh đặt ra, nhưng nhấn mạnh đó là từ góc nhìn cá nhân mình với tư cách một đại biểu quốc hội, chứ không phải đại diện cho Ủy ban Văn hóa, Giáo dục hay Thường trực Ủy ban, đó là việc phổ cập thi trắc nghiệm với tất cả các môn. Ông Vinh bày tỏ mong muốn các đại biểu Quốc hội cũng như Bộ GD-ĐT tiếp tục suy nghĩ về câu chuyện có nên "phổ cập thi trắc nghiệm". Cần phải tiếp tục thảo luận xem, liệu hình thức thi trắc nghiệm phù hợp vào những tình huống nào, đến mức nào. Đặc biệt, khi mà việc thi - kiểm tra ở những kỳ thi lớn là tác động rất nhiều đến quá trình học và quá trình dạy của toàn bộ hệ thống.
"Có những vấn đề đặt ra để cùng suy nghĩ. Đương nhiên để đi đến quyết định thế nào thì chúng ta cần phải làm thận trọng, làm cho thấu đáo. Chúng tôi cũng rất tôn trọng Bộ GD-ĐT, Chính phủ là những người gánh trách nhiệm sẽ quyết định điều đó. Với tư cách đại biểu Quốc hội, tôi đặt vấn đề để các đồng chí suy nghĩ thêm", ông Vinh nói.