Bộ GD-ĐT đề xuất với Chính phủ thi tốt nghiệp THPT theo phương án thi 4 môn,ĐềxuấtthitốtnghiệpTHPTmônHọcvàôntậptheocáchmớxsdl trong đó 2 môn bắt buộc là ngữ văn, toán và 2 môn tự chọn trong số các môn ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ.
KIỂM TRA THIÊN VỀ KỸ NĂNG VẬN DỤNG
Lãnh đạo các trường THPT tại TP.HCM bày tỏ quan điểm đồng tình với đề xuất này và cho hay ngay từ bây giờ cần có những kế hoạch dạy và học sao cho đáp ứng mục tiêu Chương trình GDPT 2018 để học sinh (HS) hoàn tất bậc THPT đạt kết quả tốt nhất, có ưu thế khi tham gia xét tuyển ĐH, CĐ.
Ông Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm GDTX Chu Văn An (Q.5, TP.HCM), cho biết để có sự chuẩn bị tốt nhất cho HS, ngay từ bây giờ các trường, giáo viên (GV) cần lên phương án cho việc biên soạn các yêu cầu của đề bài kiểm tra sao cho phù hợp với định hướng, mục tiêu của Chương trình GDPT 2018. Cụ thể yêu cầu của các bài kiểm tra đều hướng đến mục đích kiểm tra kiến thức kỹ năng cần đạt mà chương trình đưa ra. Bên cạnh đó, phát huy năng lực cá nhân thông qua việc áp dụng kiến thức và giải quyết yêu cầu cụ thể. Theo ông Hoàng, chương trình là duy nhất nhưng mỗi trường, HS học mỗi bộ sách giáo khoa (SGK) khác nhau nên không thể kiểm tra kiến thức chung chung như trước đây được nữa.
Từ việc HS học các bộ SGK khác nhau, bà Hoàng Thị Hảo, Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây (TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho rằng: "Ma trận đề bài kiểm tra sẽ đảm bảo yêu cầu kiến thức cần đạt, kiểm tra nhiều hơn về tính thực tế và áp dụng kiến thức vào giải quyết các yêu cầu cụ thể của đề bài".
Ông Nguyễn Duy Tuyển, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến (Q.10, TP.HCM), cho biết sau khi HS lựa chọn môn thi, GV sẽ tập trung vào hướng dẫn HS vận dụng kiến thức vào giải quyết các tình huống, yêu cầu thực tiễn mà định hướng chương trình giáo dục xây dựng chứ không phải là "khảo bài" đã nắm được bao nhiêu nội dung kiến thức như trước đây.
Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến nói thêm nhà trường sẽ có những chỉ đạo và kế hoạch. Khi kiểm tra đánh giá không còn môn chính môn phụ thì GV và HS sẽ phải thay đổi phương pháp dạy và học nhằm trang bị cho HS những hiểu biết nền tảng và kỹ năng cơ bản. Do đó, các bài kiểm tra sẽ không là kiểm tra kiến thức hàn lâm mà sẽ thiên về kiểm tra kiến thức kỹ năng vận dụng giải quyết tình huống, áp dụng thực tiễn. Với kiến thức đó, HS sẽ có nhiều cách thức vận dụng giải các bài tập… để có thể đáp ứng kỳ thi sau 3 năm học áp dụng chương trình mới.
Còn ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), cho biết đương nhiên sẽ ưu tiên thời lượng cho các môn thi nhưng với môn còn lại, GV và HS vẫn phải đảm bảo chương trình, kiến thức kỹ năng cần đạt để không xảy ra tình trạng học lệch, không thi không chịu học.
ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP SỚM
Thầy Phạm Lê Thanh, GV Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11, TP.HCM), cho rằng với phương án thi tốt nghiệp THPT 2 môn bắt buộc, 2 môn lựa chọn, HS cần nghiên cứu, nhận định xem bản thân có thế mạnh nào với định hướng ngành nghề trong tương lai để lựa chọn và xây dựng nền tảng học tập bồi dưỡng các môn học phục vụ định hướng nghề nghiệp đó.
Chẳng hạn nếu định hướng nghề nghiệp gắn với ngôn ngữ, các em cần phát triển năng lực ngoại ngữ và có thể chọn tiếng Anh cùng một môn học khác. Nếu có sở trường, định hướng nghề nghiệp liên quan lĩnh vực khoa học xã hội, có thể nghiên cứu chuyên sâu và học tập kiến thức nền tảng 2 môn lịch sử và địa lý. Còn nếu có thiên hướng về lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật, HS sẽ đầu tư và phát triển thêm ở môn vật lý và hóa học.
Tuy nhiên, thầy Thanh cũng lưu ý dù lựa chọn ngành nghề liên quan tự nhiên hay xã hội thì những công cụ như tin học và ngoại ngữ luôn cần thiết cho xu hướng hội nhập và chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay. Vì thế, HS cũng không nên xem nhẹ các môn học này mà phải có lộ trình trang bị kiến thức ngay cấp THPT để có thể phát triển tiếp ở các bậc học cao hơn.
Trong khi đó, theo Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, định hướng nghề nghiệp cho HS sẽ thực hiện ngay khi các em trúng tuyển lớp 10 chứ không chờ đến thời điểm làm hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Như vậy, HS sẽ lựa chọn môn học mình yêu thích, có thế mạnh, phù hợp với tổ hợp xét tuyển ĐH để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT ngay từ khi vào lớp 10. Từ thực tế này, lãnh đạo các trường THPT cũng đề nghị các trường ĐH công bố sớm các tổ hợp xét tuyển.
Khuyến khích cộng điểm ngoại ngữ, sớm công bố đề thi minh họa
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) cho rằng ngoại ngữ là kỹ năng, hành trang nên hiển nhiên HS phải chuẩn bị, chứ không nên nghĩ rằng nếu trở thành môn tự chọn thì xao nhãng, có thi mới có học. Tuy vậy, ông cũng đề xuất Bộ có thể tính toán việc khuyến khích cộng điểm với những thí sinh tuy không chọn môn ngoại ngữ nhưng có kết quả cao ở các chứng chỉ quốc tế có giá trị, uy tín trên toàn cầu. Như vậy có thể khích lệ HS trang bị kỹ năng ngoại ngữ tốt hơn.
Còn Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây Hoàng Thị Hảo cho hay GV đang rất chờ đợi đề minh họa của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Vì mục tiêu của Chương trình GDPT 2018 là phát huy năng lực, giáo dục hướng đến vận dụng thực tế và định hướng nghề nghiệp trong khi thực tế thì rộng lớn nên GV cần cái nhìn rõ nét để có kế hoạch chuẩn bị cho HS một cách hiệu quả nhất.