Anh Nguyễn Ngọc Lương,ênbảotồnpháthuygiátrịvănhóatruyềnthốv7ag Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, đã chia sẻ với Thanh Niên xung quanh vấn đề này.
Nhiều hoạt động gìn giữ văn hóa dân tộc thiểu số
Thưa anh, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến giữ gìn, phát huy di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số… Hội đã có những hoạt động gì để phát huy tinh thần tiên phong của thanh niên trong thực hiện chủ trương này?
Nhằm hiện thực hóa chủ trương đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, tổ chức Đoàn, Hội các cấp đã và đang có nhiều chương trình, hoạt động chăm lo, đồng hành với người dân và thanh thiếu nhi dân tộc thiểu số và miền núi trong học tập, khởi nghiệp, lập nghiệp, rèn luyện và phát triển kỹ năng, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần, an sinh xã hội.
Trong đó, có thể kể đến các hoạt động hỗ trợ thanh thiếu nhi dân tộc thiểu số như: khởi nghiệp, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng; hỗ trợ học phí, trao tặng học bổng; triển khai các công trình hỗ trợ cơ sở vật chất trường học qua các chương trình: Trường đẹp cho em, Nhà bán trú cho em, Nhà vệ sinh cho em, Sân chơi cho em…
Hội cũng tổ chức nhiều đội hình thanh niên tình nguyện thực hiện các công trình, phần việc hỗ trợ người dân và thanh thiếu nhi tại các địa bàn có 16 dân tộc thiểu số ít người, tổ chức các hoạt động thanh niên đồng hành, gìn giữ văn hóa dân tộc thiểu số tại các địa phương…
Đại hội Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2019 - 2024, đặt ra mục tiêu sẽ xây dựng 16 nhà văn hóa cộng đồng cho 16 dân tộc rất ít người (dưới 10.000 người) tại Việt Nam. Xin anh cho biết chương trình đó đã triển khai ra sao?
Từ năm 2020 đến nay, T.Ư Hội đã triển khai Chương trình "Những bước chân vì cộng đồng" với sự tài trợ của Sacombank. Chương trình được triển khai trên quy mô toàn quốc nhằm đẩy mạnh phong trào đi bộ, chạy bộ, nâng cao thể chất, rèn luyện sức khỏe trong đoàn viên, hội viên, thanh niên. Đồng thời với mỗi km đi bộ, chạy bộ đơn vị tài trợ đóng góp tương ứng 1.000 đồng vào quỹ xây dựng nhà văn hóa cộng đồng. Thông qua đó sẽ huy động 16 tỉ đồng xây dựng 16 nhà văn hóa cộng đồng cho 16 dân tộc thiểu số rất ít người tại Việt Nam. Tính đến nay, chương trình đã triển khai được 12 chặng, với đông đảo hội viên, thanh niên tham gia và đạt được gần 8 triệu km đi bộ, chạy bộ (tương đương gần 8 tỉ đồng).
Đến nay đã có 4 nhà văn hóa cộng đồng dành tặng cho 4 đồng bào dân tộc rất ít người đã được khánh thành và đưa vào sử dụng.
Nơi chuyển giao các đặc trưng văn hóa truyền thống
Theo anh, việc triển khai chương trình Những bước chân vì cộng đồng đã có ý nghĩa như thế nào?
Thứ nhất, chương trình đã tạo ra phong trào đi bộ, chạy bộ có tính lan tỏa sâu rộng trong các cấp bộ Hội và hội viên, thanh niên, đặc biệt là có sự tham gia gương mẫu, tích cực của cán bộ Hội ở các tỉnh, thành phố, để rèn luyện thể lực. Thứ hai, mỗi hội viên, thanh niên tham gia chạy bộ, đi bộ ngoài việc rèn luyện sức khỏe, còn thể hiện tính xung kích, tình nguyện trong đồng hành, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho dân tộc thiểu số.
Điều đặc biệt, nhà văn hóa cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số là nơi gửi gắm rất nhiều sự quan tâm, tình cảm của hội viên, thanh niên và cộng đồng thông qua sự chung tay, góp sức của 1 triệu bước chân đi bộ, chạy bộ của đoàn viên, hội viên, thanh niên, người dân trên cả nước.
Chương trình còn có hỗ trợ từ KTS Hoàng Thúc Hào và Công ty CP Kiến trúc xây dựng quốc tế 1+1>2. Họ đã thiết kế các nhà văn hóa mang đậm các nét đặc trưng của từng dân tộc, nhưng cũng không kém phần tiện ích và phù hợp với tình hình của từng địa phương.
Theo đánh giá của anh, khi nhà văn hóa cộng đồng được xây dựng, đã mang lại giá trị như thế nào trong việc giữ gìn, bảo tồn văn hóa?
Ngay khi nhà văn hóa được bàn giao đưa vào sử dụng, bà con dân tộc rất vui mừng vì có không gian riêng, giàu bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, thường xuyên tổ chức các hoạt động hội họp, sinh hoạt, giao lưu, sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí. Đồng thời cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đã tích cực sưu tầm, lưu trữ, nghiên cứu và phát huy các cổ vật, hiện vật, di sản văn hóa dân tộc.
Bên cạnh đó, nhà văn hóa còn là nơi hỗ trợ cho việc thông tin, tuyên truyền, phổ biến chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới toàn thể bà con nhân dân một cách nhanh chóng, kịp thời. Đặc biệt, nơi đây đã bảo tồn, chuyển giao các đặc trưng văn hóa truyền thống từ những người lớn tuổi đến thế hệ trẻ, thông qua việc thành lập, ra mắt và phát triển CLB thanh niên gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Có thể nói công trình này không chỉ có ý nghĩa về giá trị đời sống, đóng góp tâm huyết về vật chất của đoàn viên, thanh niên, mà thể hiện vai trò xung kích tiên phong của tuổi trẻ tham gia giữ gìn, bảo tồn và chấn hưng văn hóa.
Xin cảm ơn anh!